Sinh mổ khác với sinh thường, là phương pháp phẫu thuật để em bé chào đời. Sau khi sinh mổ cả mẹ và em bé cần được chăm sóc đặc biệt hơn và lưu ý nhiều điều để hồi phục nhanh chóng.
Thông thường sau khi sinh mổ, mẹ sẽ được giữ lại từ ba ngày đến một tuần tại bệnh viện để tiện theo dõi. Tuy nhiên việc chăm sóc và hồi phục sau khi mổ còn mất khá nhiều thời gian sau đó, mẹ cần đặc biệt lưu ý tới những vấn đề được các chuyên gia y tế khuyến nghị sau đây.
Thời điểm sau sinh mổ vẫn nằm trong bệnh viện
Nên cho em bé bú lúc nào sau sinh mổ
Đối với những phụ sản sinh mổ, thường phải gây tê màng cứng hoặc toàn thân. Sau khoảng 4-6 tiếng, lúc này để cho thuốc tê hết tác dụng mới nên cho em bé bú. Việc cho em bé bú vừa kích thích tuyến sữa của mẹ mau về vừa gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng và giảm nguy cơ băng huyết sau sinh nữa. Sau sinh mổ mẹ vẫn chưa thể có tư thế tốt nhất cho con bú, lúc này người thân hoặc chồng sẽ giúp cả hai mẹ con thực hiện được điều đó.
Tập đi lại sau sinh mổ
Thời gian sau 24h sau sinh mổ mẹ sẽ được các bác sỹ khuyến khích ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng.
- 24 giờ sau khi sinh mổ, mẹ thường sẽ được khuyến khích để cố gắng bắt đầu ngồi dậy và đi lại thật nhẹ nhàng. Việc này nhằm giúp quá trình hồi sức diễn ra nhanh hơn cũng như giúp cho cơ thể thích nghi với sự thay đổi sau khi sinh mổ. Mẹ nên nhớ là hãy di chuyển thật chậm và cẩn thận bởi rất có thể mẹ sẽ bị chóng mặt và khó thở sau một thời gian dài nằm trên giường cũng như mất nhiều máu khi sinh.
- Mẹ có biết rằng, sau khi sinh mổ, nằm nghiêng là tư thế thích hợp nhất hay không? Nằm nghiêng sang một bên và đặt một cái gối sau lưng sao cho cơ thể hợp thành với giường một góc 20-30 độ. Tư thế này sẽ giúp mẹ bớt đau hơn nhiều so với nằm ngửa do nó sẽ giảm tối đa những va chạm không cần thiết tạo nên những cơn đau của mẹ.
- Việc đi tiểu tiện sau khi các ống thông đã được lấy ra khỏi niệu đạo đôi khi có thể gây đau đớn và khó chịu, do vậy mẹ nên tham khảo trước lời khuyên của bác sỹ để tìm ra cách tốt nhất có thể khiến việc tiểu tiện đỡ đau đớn hơn.
- Nếu đã sớm xác định khả năng phải sinh mổ, mẹ cũng nên chủ động nói chuyện với bác sỹ về việc làm thế nào để đối phó với cơn đau đớn khó chịu sau phẫu thuật. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc giảm đau thì mẹ cũng nên hỏi kỹ bác sỹ về những tác dụng phụ có thể có của thuốc đối với việc cho con bú. Nếu mẹ không muốn sử dụng thuốc để tránh ảnh hưởng tới thai nhi thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để có giải pháp thay thế an toàn cho cả mẹ và bé. Chủ động sẽ luôn tốt khi có thể lường trước được các khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị trước.
- 6 tiếng sau khi mổ, mẹ không nên ăn uống bất cứ thứ gì vì thời gian này chức năng đường ruột bị hạn chế, đường ruột ứ đọng nhiều khí. Việc đưa thức ăn vào cơ thể lúc này có thể gây đầy hơi, táo bón khiến việc hồi phục kéo dài.Sau khi đào thải lượng khí ra ngoài, mẹ có thể bắt đầu ăn uống lại. Mẹ nên chú ý chọn những thức ăn mềm, lỏng thôi nhé! Do ảnh hưởng của thuốc gây tê, từ 3-5 ngày sau khi mổ, mẹ vẫn bị tình trạng táo bón nhưng nó sẽ hết ngay sau đó thôi, mẹ không cần quá lo lắng. Chú ý bổ sung thêm các vitamin A, B, C trong các bữa ăn hàng ngày vì các loại vitamin này có tác dụng làm giảm tình trạng viêm nhiễm vết mổ. Vitamin K và các chất như canxi, kẽm, sắt, đồng và protein cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết thương. Ngoài ra, mẹ nên chú ý uống thêm nhiều nước nhé! Nhưng nhớ đừng uống nước lạnh vì chúng sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
- Sau sinh, tử cung sẽ bắt đầu quá trình co lại kích thước ban đầu như trước khi mang thai, kéo theo đó là hiện tượng sản dịch chảy ra ngoài âm đạo và đây cũng dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần ít đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với mẹ sau sinh.
Khi về nhà sau sinh mổ
- Mẹ cần cố gắng tránh các vật nặng, tốt nhất là tránh nâng nhấc mọi vật có khối lượng nặng hơn em bé và cũng chưa nên làm việc nhà ngay sau khi về nhà.
- Theo dõi màu và lượng sản dịch tại nhà. Màu của sản dịch thay đổi từ hồng nhạt hay đỏ sẫm, cuối cùng sang màu vàng nhạt hoặc không màu là bình thường.
- Táo bón là một trong những khó chịu không hề nhỏ đối với sản phụ sinh mổ. Theo tiến sĩ Wagner, ruột có thể sẽ mất nhiều thời gian cũng như tiêu hóa khó khăn hơn với tất cả thức ăn mà bạn tiêu thụ trong giai đoạn này, dẫn đến chứng khó tiêu, sình bụng, thậm chí gây đau vai. Do đó, ngoài việc dùng các loại thuốc làm mềm phân theo chỉ định của bác sĩ, chị em đừng quá kiêng khem mà hãy dung nạp nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau quả, uống nhiều nước, năng vận động và di chuyển. Đồng thời, nên tránh ăn quá nhiều mà cần chia thành nhiều bữa trong ngày, tránh các loại thức ăn tanh như cá, ốc vì chúng gây ức chế quá trình ngưng tụ máu, không có lợi cho việc đông máu sau phẫu thuật, khiến vết thương lâu lành, thậm chí không lành được.
- Để các dụng cụ pha sữa cho bé hay các đồ dùng cần thiết khác như tã lót, quần áo ở gần tầm tay để mẹ không phải thức dậy lâu vào ban đêm dễ dẫn tới tỉnh giấc hoàn toàn và khó ngủ lại.
- Cảnh giác cao với bất kỳ triệu chứng sốt hay đau, bởi đây đều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Những điều cần tránh khi sinh mổ
- Mẹ nên tránh làm "chuyện ấy" trong thời gian mới mổ sinh để tránh ảnh hưởng tới vết mổ, cũng như dành thời gian để cơ thể hồi phục hoàn toàn
- Không nên ngâm mình trong bồn tắm vì vết thương chưa lành lặn hẳn, ngâm mình trong nước lâu thì lại tạo ra nguy cơ nhiễm trùng. Thêm điều nữa, cổ tử cung chỉ đóng hết lại sau 1 tháng sinh. Vậy nên, nếu ngâm cả thân mình trong bồn tắm rất dễ gây ra nhiễm khuẩn vùng chậu.
- Hạn chế leo cầu thang lên xuống
- Tránh vận động tập thể dục mạnh.
Các tình huống cần lưu ý sau sinh mổ
- Sốt cao trên 37,8 độ C
- Đau nặng đầu ngay sau khi sinh và kéo dài không dứt
- Cảm giác đau đột ngột ở vùng bụng, nơi vết mổ kèm theo chảy mủ
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Sưng đỏ và đau ở chân
- Đau đớn khi đi tiểu và tiểu ra máu
- Xuất hiện nốt phát ban đỏ
- Dịch tiết âm đạo chứa nhiều máu hay có xuất hiện những cục máu đông lớn
- Ngực bị đau và tấy đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh cúm
- Cảm giác lo lắng, hoảng sợ hay trầm cảm.