Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu sinh non để có cuộc vượt cạn an toàn.
Đẻ non là hiện tượng khi trẻ chào đời từ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần thai kỳ, tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối. Trong khoảng thời gian trên trẻ đẻ càng sớm thì nguy cơ tử vong và để lại những biến chứng càng cao.
1. Các yếu tố nguy cơ gây đẻ non
1.1 Các yếu tố từ thai nhi
- Ối vỡ non: Trong đó có 10% là các cuộc chuyển dạ đủ tháng và khoảng 30% các cuộc chuyển dạ sinh non.
- Đa ối: Có khoảng 1/3 các trường hợp đa ối chuyển dạ sinh non.
- Nhiễm trùng ối.
- Nhau tiền đạo, nhau bong non.
- Thiểu năng nhau, thai chậm tăng trưởng: Làm dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ thường dẫn đến sinh non.
- Song hay đa thai: Càng nhiều thai thì nguy cơ sinh non càng cao.
- Thai có dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý (bất thường nhiễm sắc thể, bệnh tự miễn, nhiễm trùng).
- Thai sau thụ tinh trong ống nghiệm.
1.2 Các yếu tố từ mẹ
- Tiền sử sinh non: nguy cơ tái phát sinh non chiếm 25 – 50%, nguy cơ càng cao nếu có nhiều lần sinh non trước đó.
- Tiền sử nạo hút thai, sảy thai.
- Tử cung dị dạng bẩm sinh như tử cung hai sừng, tử cung hình tim, tử cung có vách ngăn bán phần...
- Tử cung kém phát triển.
- Hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, tiền sử có khoét chóp cổ tử cung.
- U xơ tử cung.
- Mẹ hút thuốc, uống rượu, chế độ sinh hoạt không lành mạnh và bị stress trầm trọng.
1.3 Các yếu tố khác
- Làm việc quá sức, làm công việc nặng nhọc.
- Sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại.
- Không cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ.
- Mẹ nhẹ cân, có cân nặng trước sinh < 40kg.
- Tuổi mẹ không phù hợp mang thai như: Mẹ quá trẻ (dưới 20 tuổi) hoặc lớn tuổi (hơn 40 tuổi).
- Giao hợp thường xuyên có thể gây cơn co tử cung.
- Đặc biệt là mẹ không được chăm sóc tiền sản đầy đủ, không phát hiện sớm nguy cơ đẻ non góp phần quan trọng làm tăng tỷ lệ đẻ non.
- Sản phụ thường xuyên căng thẳng, trong công việc hay gia đình.
- Tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP.
2. Dấu hiệu sinh non
Cơn chuyển dạ sinh non có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ tuần thứ 20 đến 37 của thai kỳ. Chúng có xu hướng không dừng lại và trở nên thường xuyên, dồn dập hơn và khiến bạn càng ngày càng khó chịu.
Những dấu hiệu sinh non dễ nhận thấy:
- Các dấu hiệu sinh non sẽ có 4 cơn gò trong 20 phút hay 8 cơn gò trong 60 phút.
- Cổ tử cung mở từ 2 cm trở lên hoặc xóa ít nhất 80%.
- Vỡ ối, chuột rút trên vùng xương mu.
- Có sự thay đổi ở cổ tử cung được nhận định trong nhiều lần khám liên tiếp.
- Triệu chứng như cảm cúm: Liên tục buồn nôn, ói mửa kéo dài hơn 8 giờ.
- Áp lực vùng chậu, cảm giác em bé đang dần tụt xuống;
- Đau lưng nhẹ, âm ỉ
- Đau quặn bụng có hoặc không kèm theo tiêu chảy.
Bên cạnh đó, còn có một số dấu hiệu và triệu chứng giúp chẩn đoán sớm chuyển dạ sinh non như ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung, đau thắt lưng, trì nặng bụng, đau quặn ruột có thể kèm tiêu chảy…
3. Các biện pháp đơn giản để phòng ngừa sinh non
Bên cạnh việc theo dõi và phát hiện kịp thời các dấu hiệu sinh non, mẹ bầu cũng cần phải trang bị những kiến thức về cách phòng tránh nguy cơ sinh non trong quá trình mang thai. Trên thực tế, phòng ngừa sinh non cũng gặp nhiều khó khăn do có nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng.
Trước khi mang thai:
- Chuẩn bị đầy đủ các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
- Tránh thực hiện các thủ thuật y khoa can thiệp sâu vào tử cung.
- Khi mang thai cần vận động với cường độ hợp lý, không được lao lực.
- Xây dựng chế độ ăn uống khi mang thai khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
Khi có thai:
- Uống đủ nước trong ngày để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu ở tử cung.
- Không nên nhịn tiểu thường xuyên và sau khi đi vệ sinh, mẹ bầu hãy lau từ trước ra sau để hạn chế viêm nhiễm.
- Khi nằm cần hạn chế tư thế nằm ngửa, có thể nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải.
- Giữ chế độ dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
- Khám thai đều đặn và theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Có thể đặt nhẹ tay trên bụng để phát hiện những cơn gò tử cung bất thường và đi khám điều trị dự phòng sinh non kịp thời.
Mang thai là một hành trình đầy những khó khăn, gian khổ, tuy nhiên cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của người mẹ. Việc tìm hiểu đầy đủ các kiến thức mang thai khoa học giúp mẹ và bé trải qua một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đã giúp cho các mẹ có thêm những kiến thức cần thiết để có một cuộc vượt cạn thành công.