Tất tần tật những điều cần lưu ý khi mang thai

Tất tần tật những điều cần lưu ý khi mang thai

 Nếu như bạn vừa thử que và 2 vạch “đỏ chót” thì đây là những gì bạn cần dắt túi ngay lúc này để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Những điều cần lưu ý khi mang thai sẽ là cuốn cẩm nang chia sẻ lời khuyên cần thiết cho bạn. Xem ngay ở bài viết này nhé. 

##1. Tiêm phòng trước khi mang thai

Nhiều cặp đôi khi chuẩn bị có kế hoạch sinh con có sự chuẩn bị rất chu đáo để đảm bảo sức khỏe cho hành trình sắp tới. Ngoài việc thăm khám tổng quát của cả hai vợ chồng thì người mẹ cũng cần tiêm phòng trước khi mang thai đó.

Bởi khi mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ sẽ kém hơn bình thường. Để đảm bảo mẹ không bị lây một số bệnh lây nhiễm, bác sĩ khuyến cáo nên đi tiêm phòng một số mũi sau: Mũi 3 trong 1 sởi quai bị rubella, cúm, thủy đậu, viêm màng não.  

Xem thêm:

 

## 2. Lịch khám thai định kỳ

Ngay khi phát hiện mình có thai, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế khám và đặt lịch khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt có 3 mốc thai kỳ không thể bỏ qua:

  • Khám thai tuần 11-13: Đo độ mờ da gáy để dự đoán một số bất thường gây nên các bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành … 
  • Khám thai tuần 21-24: Nhằm chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng...
  • Khám thai tuần 30-32: Để phát hiện 1 số vấn đề xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – 1 trong những nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau sinh...
  • Khám thai tuần 35 – 36 tuần để đo lượng nước ối và “chốt” trước khi sinh.

 

 ## 3. Dinh dưỡng khi mang thai

Thời kỳ trẻ còn trong bào thai, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nguồn dinh dưỡng từ mẹ sẽ theo máu qua nhau thai đến cung cấp cho con. Dinh dưỡng đầy đủ  sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt tránh mắc bệnh, đủ sức để sinh con, mau phục hồi sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú. 

  • Dưỡng chất quan trọng

Phụ nữ mang thai trong ba tháng giữa cần tăng nhu cầu năng lượng thêm 360 kcal/ngày, trong ba tháng cuối cần thêm 475 kcal/ngày. Chất đạm, chất béo rất cần thiết để xây dựng bào thai, nhau thai, mô cơ thể mẹ. Nhu cầu vitamin và các khoáng chất cũng tăng lên khi phụ nữ mang thai: Can-xi, acil folic, vitamin A, D, B1. Nhu cầu vi chất: Sắt, I ốt rất quan trọng cho cả mẹ và con.

  • Chế độ ăn

Phụ nữ có thai không nên kiêng khem. Bữa ăn cần thực phẩm đa dạng, hàng ngày nên dùng tối thiểu khoảng 15 loại thực phẩm khác nhau để có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau quả vì ngoài vitamin và khoáng chất còn cung cấp chất xơ phòng chống táo bón.

- Không nên dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Hạn chế gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm

- Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nếu bị nghén nên chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày

##4. Đề phòng và xử lý những biến chứng thường gặp trong thai kỳ

Không phải bà mẹ nào cũng có một thai kỳ khỏe mạnh. Một số người gặp phải một số biến chứng trong thời gian mang thai. Vì thế để xử lý tốt các trường hợp xảy ra, trước hết các mẹ hãy chuẩn bị tốt các kiến thức để hiểu rõ các biến chứng thường gặp trong thai kỳ.

- Nhau thai bám thấp: Khi phát hiện có dấu hiệu nhau bám thấp, mẹ phải được nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh làm những việc nặng nhọc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kiêng quan hệ tình dục trong thời gian dưỡng thai và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ

- Tiền sản giật: Tiền sản giật (TSG) là một hội chứng bệnh lý khá phức tạp và nguy hiểm. Hội chứng này thường làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non tháng cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ sau này. Khi có các biểu hiện bất thường mẹ bầu cần ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra, để có thể điều trị sớm và phù hợp sẽ ngăn chặn được các biến chứng.

- Tiểu đường thai kỳ: Để biết mình có bị tiểu đường hay không mẹ có thể kiểm tra đường huyết xem. Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới những nguy cơ như tiền sản giật, sản giật, dị tật thai, thậm chí sẩy thai,  cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh, bắt đầu với chế độ ăn và luyện tập hàng ngày.

- Thiếu ối: Thiếu ối là một trong những tình trạng bất thường về nước ối, rất dễ xảy ra trong quá trình mang thai. Để tránh tình trạng thiếu ối mẹ bầu nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và một chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước sẽ giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ nước ối ít. Trong một vài trường hợp thiếu nước ối, bác sĩ thường khuyên mẹ bầu uống nước dừa để bổ sung thêm nước ối và có thể giúp nước ối trong hơn.

## 5. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi khi mang thai

  • Không nên làm việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại hoặc công việc phải đừng lâu cúi nhiều.
  • Cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày.
  • Không nên thức quá khuya hoặc thức đêm nhiều.
  • Nên thực hiện các hoạt động vận động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội…
  • Quan hệ khi mang thai cũng không cần kiêng quá mức những cần thận trọng.
  • Không nên dùng nhiều các loại hóa mỹ phẩm, đi giày cao gót hoặc xông hơi giải cảm…
  • Rạn da sẽ xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, các chị em có thể dùng dầu dừa hoặc kem dưỡng ẩm chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo làn da không bị rạn nứt, thâm đen.
  • Nên đăng ký tham gia một lớp tiền sản sẽ giúp các mẹ bổ sung rất nhiều kiến thức quan trọng như: dinh dưỡng khi mang thai, thể dục khi mang thai, chuẩn bị trước khi sinh, cách tắm cho bé, cách cho bé bú, cách phòng chống bệnh cho bà bầu..để các chị em luôn tự tin trong lần đầu làm mẹ này.

Những chia sẻ trên đây chắc chắn sẽ giúp các mẹ chuẩn bị mang thai, đang mang thai phải làm những gì tốt nhất và an toàn nhất cho bản thân và em bé. Chúc các mẹ bầu có một hành trình mang thai thật vui vẻ và khỏe mạnh nhé.

Quay lại blog

Để lại bình luận

Heading for Social Images