Táo bón sau sinh là triệu chứng phụ nữ thường xuyên gặp phải. Nếu để lâu tình trạng này có thể dẫn đến bệnh trĩ, sa trực tràng, sa dạ con vô cùng nguy hiểm. Vì vậy sản phụ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa táo bón. Nếu mẹ đang bị triệu chứng này “ghé thăm” hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để có cách điều trị kịp thời.
Táo bón là hiện tượng giảm số lần đi ngoài (ít hơn 3 lần/tuần). Kèm theo đó là những khó khăn trong việc đi vệ sinh như phân cứng, đau đớn và khó chịu. Tỷ lệ phụ nữ sau sinh bị chứng táo bón rất nhiều do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các mẹ mà còn có thể dẫn đến các hệ lụy khác.
Nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón sau sinh?
Vì sao bị táo bón sau sinh? Đó là câu hỏi của rất nhiều mẹ bởi tình trạng này thường xuyên xuất hiện ở thời điểm sau sinh. Một số nguyên nhân chủ quan và khách quan được Goodmama tổng hợp lại dưới đây sẽ giúp mẹ dễ dàng nhận ra đâu là căn nguyên để dẫn đến triệu chứng này.
Ít vận động
Sau sinh hầu hết các mẹ đều phải hạn chế vận động để hồi phục sức khỏe. Bởi lúc này cơ thể mẹ vẫn rất mệt mỏi không thể đi lại nhiều. Việc nằm một chỗ khiến cho nhu động ruột hoạt động yếu hơn, phân di chuyển chậm. Phân lưu lại trong ruột lâu bị tái hấp thu nước nhiều lần nên khô cứng gây táo bón.
Chế độ ăn uống
Thường bà đẻ có chế độ dinh dưỡng khá đặc biệt. Với việc bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng, chất đạm như chân giò, thịt bò, gà hầm, chim câu hầm... Các món ăn bổ dưỡng được chuẩn bị cho sản phụ với mong muốn cho nguồn sữa tốt cho con. Thế nhưng nếu chế độ dinh dưỡng không cân đối, thiếu đi nhóm rau củ, vitamin và chất xơ dễ dẫn đến tình trạng táo bón.
Uống ít nước
Một nguyên nhân khác gây táo bón sau sinh là do uống ít nước. Khi cho bé bú, một phần lượng nước trong cơ thể mẹ phải chia sẻ cho con bú, nhưng tâm lý người mẹ lại không dám uống nhiều nước vì cho rằng uống nhiều nước sẽ làm loãng sữa, con bú thiếu chất.
Một số nguyên nhân khác
Có một vài nguyên nhân khác dẫn đến chứng táo bón sau sinh phải kể đến như thói quen nhịn đi vệ sinh hoặc tác dụng phụ của thuốc giảm đau khi chuyển dạ... Một số trường hợp mẹ được các bác sỹ chỉ định tiêm thuốc giảm đau có thể tác động làm chậm hoạt động của ruột sau sinh, dẫn đến táo bón. Còn yếu tố nhịn dễ sảy ra đối với các mẹ có vết khâu ở tầng sinh môn, thường cảm giác ngại đi đại tiện vì sợ bục vết khâu.
Làm sao để trị chứng táo bón sau sinh hiệu quả?
Để điều trị đơn giản và hiệu quả chứng táo bón sau sinh đó là thay đổi thói quen sinh hoạt, bổ sung các thực phẩm cần thiết và chế độ tập luyện khoa học. Một vài lời khuyên dưới đây của chuyên gia Goodmama tổng hợp sẽ giúp mẹ dễ dàng trị chứng táo bón sau sinh hiệu quả.
Bổ sung nhóm chất dinh dưỡng giúp chữa trị táo bón cho mẹ sau sinh
Không nên uống thuốc điều trị táo bón nếu như triệu chứng của mẹ ở dạng nhẹ. Mẹ có thể chữa trị bằng cách bổ sung các nhóm chất tốt cho tiêu hóa và đại tràng. Trong thực đơn ăn uống hàng ngày, hãy bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất đó là chất đạm; đường, chất béo, rau và trái cây. Một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý giúp cho mẹ vừa đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, hồi phục sức khỏe, dồi dào sữa vừa tốt cho hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó một số món canh, chất lỏng có tác dụng hỗ trợ tốt cho chứng táo bón: cháo vừng đen, cháo cà rốt, cháo khoai lang, gà hấp khoai tây, chè chuối tiêu, chè đu đủ, chè khoai sọ,…
Uống nhiều nước và sữa là cách chữa trị táo bón cho mẹ sau khi sinh hiệu quả
Nhiều mẹ cho con bú sau sinh lại có quan niệm sai lầm, uống nhiều nước làm sữa loãng. Vì thế dễ dẫn đến cơ thể thiếu nước đồng thời triệu chứng táo bón sẽ xuất hiện ngay lập tức.
So với người bình thường, mẹ sau sinh ngoài việc tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn cần uống nước nhiều hơn nữa. Uống nước nhiều để sản xuất lượng sữa mỗi ngày đồng thời phòng ngừa táo bón hiệu quả. Vì thế, phụ nữ khi bị táo bón nên uống 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày để có kết quả điều trị tốt nhất.
Chăm chỉ đi lại, luyện tập giúp cải thiện tình trạng táo bón sau khi sinh
Sau khi sinh 1,2 ngày, chị em nên tập đi lại, đừng vì sợ đau mà lười thực hiện thói quen này. Còn khi cơ thể đang dần hồi phục bạn có thể thực hiện các bài tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga, chạy bộ nhẹ nhàng,… để các cơ trong thành ruột di động theo cơ thể, làm hệ tiêu hóa được lưu thông tốt hơn.
Tạo thói quen đi vệ sinh vào giờ cố định để tốt cho tiêu hóa tránh bị táo bón
Hãy luôn tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn vào giờ cố định mỗi ngày. Như vậy hệ tiêu hóa sẽ hoạt động nhịp nhàng và khoa học hơn.
Thời gian tốt nhất là 7 – 8h sáng bởi các cơ quan trong cơ thể hoạt động sau 1 đêm cần được loại bỏ các chất độc hại, dư thừa trong cơ thể vào sáng hôm sau. Điều đó cũng giúp cho cơ thể buổi sáng nhẹ nhõm hơn rất nhiều, tạo năng lượng cho một ngày dài.
Không nên ăn nhiều đồ ăn khô sẽ khiến táo bón ở phụ nữ sau sinh nặng hơn
Bên cạnh những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhiều nước vừa được chúng tôi kể trên tốt cho việc điều trị táo bón cho phụ nữ sau khi sinh thì các thực phẩm khô, các bạn nên hạn chế. Chẳng hạn như: cá khô, cá rán, thịt kho tiêu, tôm khô,….
Không nên thụt tháo để chữa trị táo bón sau sinh
Ngoài ra, những mẹ sau sinh bị táo bón cần lưu ý, không nên sử dụng phương pháp thụt tháo để chữa táo bón, bởi việc thụt tháo sẽ tác động vào hậu môn gây nên những tổn thương đau đớn. Hơn thế, việc dùng thuốc thụt lâu ngày sẽ làm giảm cơ trơn hậu môn, dẫn đến mất phản xạ khi đi ngoài.
Để trị chứng táo bón sau sinh đơn giản mẹ hãy thực hiện kết hợp các cách nêu trên. Điều quan trọng mẹ hãy tạo thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học cho mình mỗi ngày. Nhờ đó triệu chứng táo bón cũng sẽ không xuất hiện mà cơ thể mẹ cũng luôn khỏe mạnh. Có bất cứ thắc mắc nào, các mẹ có thể để lại câu hỏi dưới bình luận bài viết này, Goodmama sẽ luôn hỗ trợ giải đáp.