Bệnh sởi rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là dạng bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng và nguy hiểm đối với sức khỏe của bé. Mặc dù bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng nếu không được chăm sóc tốt rất dễ bị các biến chứng khác nhau.
Hãy tìm hiểu ngay dấu hiệu phát hiện bệnh sởi, phương pháp điều trị và chăm sóc đúng cách để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, đồng thời có biện pháp phòng ngừa bệnh này một cách hữu hiệu nhất.
Biểu hiện của bệnh sởi qua 3 thời kỳ
Trẻ bị bệnh sởi có thời gian ủ bệnh khá lâu từ 7 - 21 ngày, khi bắt đầu khởi phát bệnh tới khi thoái bệnh, trẻ sẽ có đầy đủ những biểu hiện dưới đây.
- Giai đoạn mới phát bệnh
Sốt cao: Biểu hiện rõ ràng nhất mẹ có thể nhận thấy ở trẻ đó là sốt cao có lúc lên tới 40 độ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ đi kèm các triệu chứng như chảy nước mắt, mắt đỏ rồi nhanh chóng trở nặng thành viêm kết mạc, mắt sưng dính vào nhau.
Sổ mũi hắt hơi: Ngay từ ban đầu trẻ đã bị sổ mũi hắt hơi và trở nặng làm viêm thanh quản, mất tiếng nói, đau họng, nhìn phía trong họng thì thấy có nhiều chấm nhỏ trắng li ti.
Giai đoạn này mẹ nên cách ly trẻ với anh em, bạn bè bởi đây là thời kỳ dễ lây lan.
- Giai đoạn nổi ban sởi:
Chỉ sau các biểu hiện khởi phát bên trên, trẻ sẽ nỗi ban đỏ kéo dài khoảng 3-4 ngày. Các nốt ban đỏ nổi khắp cơ thể từ tai xuống lưng, ngực, bụng và chân. Đặc điểm ban sởi có màu đỏ, to từ 1 -1.5mm không ngứa. Ở giai đoạn này tình trạng sốt vẫn còn và tiếp diễn.
- Giai đoạn thoái bệnh:
Thời điểm này các ban sởi dẫn dần mất đi để lại dấu vết là các vết hằn trên da. Lúc này trẻ không còn bị triệu chứng sốt hành hạ nữa, trẻ cũng khỏe hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên nếu có biến chứng xảy ra thì dù ban sởi có biến mất hết đi thì trẻ vẫn còn sốt, biếng ăn, hơi thở có mùi do có khả năng bị viêm miệng hoại tử, viêm não, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm ruột,… Tiêu chảy kéo dài làm mất nước và sụt cân nghiêm trọng, khả năng bị suy dinh dưỡng. Lúc này bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và kiểm tra.
- Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà
Đối với bệnh sởi, ba mẹ hoàn toàn có thể để bé ở nhà tự chăm sóc và cách ly đúng cách. Bệnh sẽ tự khỏi không có biến chứng nguy hiểm nếu biết cách nghỉ ngơi, chăm sóc khiêng khem.
- Trước hết mẹ nên cách ly trẻ với anh chị em và người thân trong gia đình (Những người không bị nhiễm bệnh).
- Nếu trẻ sốt cao 38.5 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Khi trẻ bị bệnh sởi cha mẹ vẫn có thể tắm và vệ sinh cho bé hàng ngày nhưng tránh để trẻ bị lạnh.
- Thường xuyên thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh và giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Hãy nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần cho bé.
- Nhiều cha mẹ có quan niệm kiêng tắm, kiêng gió khi bé bị sởi chỉ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Nếu trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng).
- Cách chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh.
- Cách phòng bệnh sởi
Tiêm vắc xin chính là cách phòng bệnh tốt nhất để trẻ có hệ miễn dịch hữu hiệu với bệnh sởi. Vắc xin này có dạng đơn hoặc dạng phối hợp sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella. Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi bố mẹ nhé.