Các mẹo giúp bé ăn ngủ đúng giờ ngay từ lúc mới sinh

Các mẹo giúp bé ăn ngủ đúng giờ ngay từ lúc mới sinh

Trong những năm tháng đầu đời của trẻ, có một thời gian biểu cụ thể đối với việc đi ngủ, ăn uống và các hoạt động khác của bé có thể làm cho cuộc sống của bố mẹ và bé trở nên dễ dàng hơn. 5 mẹo dưới đây sẽ giúp ba mẹ dễ dàng hơn trong việc thiết lập thói quen cho con trở nên vô cùng đơn giản và hiệu quả.


  • Tập cho bé đi ngủ sớm
  • Một khi đã có một giờ ngủ cố định, những hoạt động vào ban ngày sẽ diễn ra suôn sẻ. Cách dễ nhất để thiết lập giờ ngủ cố định là bắt đầu thói quen mà bạn và em bé sẽ thực hiện mỗi ngày: đi ngủ sớm.

    Trong 6 đến 8 tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục; nếu để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và bị khó ngủ.

    Mẹ hãy nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, mắt lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Mẹ đừng lo, mẹ sẽ nhanh chóng quen với việc nhận ra con mình đang buồn ngủ, lúc đó hãy đặt bé vào nôi hoặc giường.

    Để dễ ngủ, mẹ hãy tắm cho con bằng nước ấm, cho bé bú mẹ/bú bình và sau đó tắt đèn đi ngủ. Nếu bé cảm thấy buồn ngủ lúc đang bú sữa trong một vài tháng đầu tiên, điều đó không sao cả. Nhưng đến khi bé được 3-4 tháng, bạn hãy cố gắng giữ cho bé thức để con có thể tự mình chìm vào giấc ngủ đúng giờ nhé.

  • Dạy bé sự khác biệt giữa ngày và đêm
  • Một vài em bé quen thức đêm trong bụng mẹ; dấu hiệu nhận biết là bé hay quẫy đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé sẽ vẫn duy trì thói quen này và làm mẹ mệt mỏi vì không chịu ngủ khi mẹ đã mệt lả rồi. Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi.

    Nhiều trẻ lẫn lộn ngày và đêm: bé ngủ suốt cả ngày và chỉ thức dậy khi mặt trời lặn. Việc giúp con học cách phân biệt ngày và đêm là bước quan trọng đầu tiên để trẻ quen với một thời gian biểu cố định.

    Buổi sáng, khi bé còn thức ba mẹ hãy bố trí phòng ngủ thật nhiều ánh sáng, chơi với bé thật nhiều, nếu bé đang bú mà lơ mơ ngủ, hãy nhẹ nhàng gọi bé dậy. Không cần ngăn hết mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày, như tiếng tivi, tiếng nói chuyện. 

    Nhưng vào buổi tối hãy giữ phòng tối nhất và yên tĩnh bằng mọi cách (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu), không nói chuyện nhiều với bé, giữ yên lặng và nói thật nhỏ khi cho bé bú cữ đêm. Nhất định phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, không được để quá muộn.


  • Học các “tín hiệu” của bé
  • Trong thời gian đầu làm những ông bố, bà mẹ trẻ, bạn sẽ rất khó có thể “đọc” được điều trẻ muốn “nói”. Nhưng dần dần, khi đã có nhiều kinh nghiệm bên con hơn, mỗi “tín hiệu”của bé sẽ đều trở nên quen thuộc với bạn.

    Nhưng để có thể hiểu con, bố mẹ vẫn sẽ cần rất nhiều thời gian và kiên nhẫn. Nếu bạn ghi lại giờ bé ngủ, giờ cho ăn, giờ chơi và những hoạt động khác trong một cuốn sổ hoặc máy tính, bạn có thể sử dụng chúng để thiết lập thời gian tập cho bé ăn ngủ chính xác.

    Nếu bé đã làm theo thời gian biểu đã sắp xếp, bạn hãy quan sát để nhận ra thói quen nào là hiệu quả và ưu tiên thực hiện nó. Bé con của bạn cũng sẽ cần thời gian để làm quen với một lịch trình cố định, thế nên, bạn hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng khuyến khích con. Một khi đã thành thói quen, những điều này sẽ khó thay đổi.

  • Theo dõi và cùng con xây dựng các thói quen
  • Bé sẽ thay đổi, thế nên thời gian biểu tập cho bé ăn ngủ cũng phải linh hoạt hơn. Bé học hỏi rất nhanh trong những năm đầu đời. Bé sẽ gần như tăng gấp ba lần trọng lượng của mình và có những bước tiến đáng kể như ngồi, bò, thậm chí đi và nói. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng đến một cột mốc mới, bố mẹ đừng ngạc nhiên nếu bé phá vỡ thói quen thông thường của mình nhé! Bé có thể đói hơn so với bình thường, cần ngủ nhiều hơn hoặc thức dậy nhiều lần trong đêm. Lúc đó, điều bạn cần làm là quan sát bé thật kỹ lưỡng và chỉnh sửa lại thời gian biểu sao cho phù hợp hơn với con.


    Nuôi dưỡng và giáo dục con không phải là một điều dễ dàng, nhất là trong những năm tháng đầu đời vô cùng nhạy cảm của bé. Ba mẹ cần đồng hành bên con, lắng nghe con nhiều hơn và chấp nhận những sự thay đổi hợp lý từ trẻ. Với một nền tảng tốt được bồi dưỡng từ gia đình, con của bạn sẽ phát triển mạnh mẽ và vững vàng.

    Quay lại blog

    Để lại bình luận

    Heading for Social Images

    Follow Us