Ba mẹ có nên cho trẻ ngậm núm giả hay không ?

Ba mẹ có nên cho trẻ ngậm núm giả hay không ?

Việc có nên cho trẻ mút núm giả không sẽ cân nhắc những lợi ích mang lại và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Nếu quyết định sử dụng núm ngậm cho trẻ sơ sinh thì cha mẹ phải biết sử dụng đúng cách, hạn chế thời gian dùng kéo dài, thường xuyên kiểm tra và thay thế núm giả cho bé sau thời gian sử dụng. 

1. Đánh giá về lợi ích và nguy cơ của việc cho trẻ dùng ti giả

1.1. Lợi ích khi trẻ dùng ti giả 

- Các loại ti giả đều được sản xuất bằng loại vật liệu mềm, thiết kế khá giống với phần đầu ti của mẹ nên sẽ giúp giảm bớt thói quen và thời gian trẻ ngậm ti mẹ khi không có nhu cầu ăn sữa (nhất là những bé thích ngậm vú mẹ để ngủ). 

- Trong trường hợp trẻ đói và quấy khóc mà mẹ chưa kịp pha sữa và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thì mẹ có thể dùng ti giả để trấn an bé. Việc dùng ti giả cũng khá hữu ích cho những trường hợp bé lo lắng, quấy khóc khi đi ra nơi công cộng đông người, khi đó cho bé ngậm ti giả sẽ giúp bé cảm thấy an toàn hơn và không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh

- Núm vú giả có thể giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, thư giãn và cảm thấy an toàn hơn. Sự thoải mái nãy sẽ giúp mang lại lợi ích nhân đôi: khi con bình tĩnh hơn cũng giúp cha mẹ cảm thấy thư giãn hơn.

- Theo các nhà nghiên cứu, ti giả còn có một tác dụng đặc biệt đó là sẽ giúp hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ.

1.2. Một số hạn chế khi trẻ sơ sinh ngậm ti giả

Ngoài những lợi ích bên trên, trẻ sơ sinh dùng ti giả còn có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro sau:

- Nếu dùng ti giả trong thời gian quá lâu sẽ khiến trẻ nuốt nhiều không khí vào bụng, từ đó gây đầy bụng khó chịu

- Làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa ở trẻ: khi trẻ nhai ti giả sẽ làm tăng áp lực trong ống tai giữa, lâu ngày dẫn đến viêm bộ phận này

- Gặp các vấn đề về răng miệng: dùng ti giả trong thời gian dài còn khiến răng cửa của trẻ dễ bị thưa, mọc lệch, bị vẩu hàm trên, lệch khớp cắn,...

- Nhiều trẻ cắn đứt cả ti giả, nếu không cẩn thận sẽ nuốt mảnh đứt này vào trong họng và nguy cơ bị hóc là rất cao

- Nếu cha mẹ không vệ sinh ti giả đúng cách và thường xuyên thì có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy

- Trẻ bị nghiện ti giả: nếu đã quen với việc ngậm núm giả, trẻ thường có xu hướng không ngủ khi không có núm, trằn trọc, khó ngủ, thậm chí là khóc lóc. Vì vậy hành trình cai ti giả cho con của các bậc cha mẹ cũng rất gian nan.

1.3 Một số mẹo khi cho trẻ sử dụng núm vú

Nếu bạn muốn cho con sử dụng núm vú giả, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa một số rủi ro liên quan đến sức khỏe đối với bé, bao gồm:

- Tuyệt đối không sử dụng các nhãn hiệu có chứa bisphenol-A (BPA)- một hợp chất được dùng rộng rãi trong việc sản xuất đồ nhựa. Hợp chất này có thể làm hỏng men răng của trẻ nhỏ, thậm chí làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý sau này như bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, béo phì, rối loạn sinh sản,...

- Không buộc núm vú vào cổ của bé vì có thể khiến trẻ bị nghẹt thở do dây buộc

- Lựa chọn các loại núm vú đúng kích cỡ, phù hợp với độ tuổi và miệng của trẻ.

- Không cho trẻ sử dụng chung núm vú giả vì có thể gây lây nhiễm vi khuẩn thông qua đường miệng. Ngoài ra, ba mẹ nên vệ sinh núm vú sạch sẽ bằng xà phòng và nước nóng trước khi cho trẻ ngậm.

- Chọn núm vú có tấm chắn lớn hơn miệng và có lỗ thông gió để cho không khí đi vào.

Tóm lại, khuyến cáo chung cho các ba mẹ là không nên cho trẻ ngậm ti giả vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ. Nhưng hiện trên thực tế thì nhiều bố mẹ vẫn quyết định sử dụng núm giả cho trẻ. Do vậy, nếu đã quyết định sử dụng núm ngậm cho trẻ sơ sinh thì ba mẹ phải biết sử dụng đúng cách và thường xuyên kiểm tra và thay thế núm giả cho bé sau thời gian sử dụng.

Quay lại Blog

Để lại một bình luận

Heading for Social Images

Follow Us