7 mẹo nuôi con tiết kiệm mà hiệu quả cho các mẹ bỉm sữa

7 mẹo nuôi con tiết kiệm mà hiệu quả cho các mẹ bỉm sữa

Nuôi con tiết kiệm là chủ đề được đại đa số bà mẹ bỉm sữa bàn luận và đưa ra nhiều kinh nghiệm, lời khuyên rất hiệu quả. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”  - Nói về chi phí nuôi con thì không biết bao nhiêu cho vừa. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chi tiêu cho con ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với nhà tài chính không quá dư giả hoàn toàn có thể vun vén và tiết kiệm mà vẫn chăm lo đầy đủ cho con nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Vậy đâu là cách để nuôi con tiết kiệm mà vẫn đảm bảo đầy đủ nhu cầu của con? Cùng Goodmama điểm qua những cách giúp mẹ bỉm sữa vừa đảm bảo nhu cầu của con cái, mà tài chính gia đình vẫn cân đối?

1. Nuôi con bằng sữa mẹ

Đây được xem là cách tốt nhất mà hiệu quả cao nhất trong quá trình nuôi con nhỏ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự có, tự sản sinh từ cơ thể của mẹ mà tạo hóa ban tặng. Hãy tận dụng nguồn dinh dưỡng quý giá này để nuôi con.

Sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và rất tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ được bú sữa mẹ thường xuyên sẽ tăng sức để kháng, chống chịu với bệnh tật và phát triển tốt.

Vì thế khi sinh con mẹ nên cho trẻ bú mẹ thay vì sử dụng sữa bột đắt đỏ, tốn kém. Đồng thời mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo nguồn sữa dồi dào cung cấp đủ cho con. 

2. Sử dụng bỉm vải thay bỉm giấy

Nếu tính chi phí nuôi con trong những năm tháng đầu đời, tiền mua bỉm chiếm tỷ lệ rất lớn, ngồn không ít tiền của bố mẹ. Sử dụng bỉm vải dùng nhiều lần thay bỉm giấy là cách rất hiệu quả để tiết kiệm. Đây là bí quyết được các bà mẹ bỉm sữa rỉ tai nhau nhằm thắt chặt chi tiêu trong gia đình hàng tháng. Bài toán kinh tế trong nuôi con được giải quyết triệt để nếu mẹ duy trì sử dụng bỉm vải liên tục.

Ví dụ  mỗi tháng bạn dùng ít nhất 2 bịch tã bỉm giấy cho bé (250k/bịch), vậy đến khi bé 3 tuổi (36 tháng) chi hết 72 bịch x 250.000đ = 18.000.000đ (18 triệu). Và bỉm giấy thì không thể tái sử dụng cho những đứa con sau của chúng ta được. Trong khi đó, bỉm vải đủ bền để dùng trong khoảng thời gian 3 năm cho em bé đầu lòng của chúng ta và còn có thể dùng cho em bé sau này nữa thì chi phí trung bình 140.000đ/ bỉm x 10 bỉm ( số lượng đủ dùng cho bé từ khi mới sinh đến khi không còn phải đóng bỉm) = 1.400.000đ.

Về độ an toàn và thông thoáng, bỉm vải được đánh giá rất tốt tương đương với các loại bỉm giấy ở phân khúc cao. Do vậy đây chính là việc mà mẹ nên thực hiện để tiết kiệm chi phí hiệu quả.

Tham khảo thêm cách cất giữ và bảo quản bỉm vải, tã vải dành cho bé thứ 2 để tiết kiệm 

3. Không sa đà vào thú vui sắm quần áo cho con

Trẻ lớn rất nhanh theo từng thời kỳ nên việc mua sắm quá nhiều quần áo không thực sự cần thiết. Một bà mẹ thông thái cần biết cách mua sắm quần áo cho trẻ em thật đầy đủ và tiết kiệm. Hãy lựa chọn một số bộ đồ cho bé đẹp để đi chơi hoặc tham gia các bữa tiệc. Phần còn lại mua cho bé những bộ mặc nhà thoải mái, dễ vận động vui chơi.

Tuy nhiên, đừng vì quá tiết kiệm mà bỏ qua chất liệu vì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Đối với trẻ em chất liệu vải sợi tre được các mẹ ưu ái lựa chọn trong mùa hè bởi vừa mềm mại lại giúp thấm hút mồ hôi, chống tia UV cực tốt.

4. Không mua đồ chơi kiểu tùy hứng

Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, bé sẽ cần một loại đồ chơi khác nhau để thông qua đó học hỏi và rèn luyện thêm nhiều điều. Chính vì vậy, khi mua đồ chơi cho bé, bạn cần biết rõ món đồ đó có thực sự phù hợp với độ tuổi của bé nhà bạn hay không?

Bên cạnh đó, việc chọn lựa đồ chơi cần cân nhắc đến lợi ích của nó đối với trẻ. Nếu món đồ chỉ kích thích trẻ bạo lực hay có thể làm tổn thương người khác, tuyệt đối không nên mua cho trẻ dù trẻ quấy đòi. Nếu có thời gian rãnh, bạn hãy tranh thủ làm một vài món đồ chơi thủ công để cùng bé tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc.

5. Chọn những nơi vui chơi miễn phí

Thật rất phí phạm nếu bố mẹ không biết tận dụng những khu vui chơi giải trí miễn phí, nơi sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư, nhà văn hóa thiếu nhi, công viên. Đây là nơi bé có thể thỏa thích vui chơi, hòa mình vào các hoạt động bổ ích. Ngoài ra các gia đình ở thành phố lớn cho thể cho bé đi chơi tại các trung tâm thương mại lớn, phố đi bộ, các hoạt động văn hóa thường niên khác.

6. Tự nấu đồ ăn dặm cho con

Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, để đảm bảo an toàn mà tiết kiệm mẹ nên tự nấu đồ ăn cho con. Cha mẹ có thể tận dụng các loại thực phẩm, rau củ trong bữa ăn của gia đình để nấu cho con. Chọn phương pháp ăn dặm thích hợp cho công việc của mẹ và sở thích của bé để áp dụng.

Thay vì mỗi ngày mẹ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua cháo ăn dặm, đồ ăn dặm cho trẻ. Như vậy hàng tháng gia đình cũng đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

7. Nếu có người thân trông giúp, không cần cho trẻ đi học quá sớm

Nếu tính chi phí tiền đi học của bé mỗi tháng cha mẹ cần bỏ ra khoảng 2-3 triệu. Thực tế, độ tuổi thích hợp để đi nhà trẻ là tuổi lên 3. Vì thế, với những trẻ nhỏ hơn, nên nhờ người thân trông giúp. Hãy biến ngôi nhà của mình trở thành môi trường học tập và vui chơi tốt nhất cho con.

8. Tự cắt tóc cho con

Những kiểu tóc của trẻ con không cần cầu kỳ như người lớn nhưng khi ra ngoài tiệm, số tiền cắt tóc cũng ngang ngửa. Thay vì để trẻ phải khóc ré khi đến một nơi xa lạ, bạn hãy tự tay cắt tóc cho bé ngay tại nhà. Tất nhiên, điều này cũng đòi hỏi bố mẹ một chút khéo léo.

Quay lại blog

Để lại bình luận

Heading for Social Images

Follow Us